Truyền thuyết Đền Ngọc Quế

Ngôi đền này đã có từ rất lâu đời, từ thời vua Hùng Duệ Vương. Tương truyền rằng, vào thời vua Hùng thứ 18, thời ấy vua rất chuộng Thần, Phật, chăm chỉ việc lễ giáo, chăn dân. Lại hay kính Trời , Pháp tổ, trưng dụng người tài đức. Lúc ấy ở huyện Diễn Châu Nghệ An có nhà ông họ Đỗ tên Huy ,vợ tên Trần thị Đoàn ,vốn là một nhà tích đức hành thiện. Thế rồi trời đất giao hòa đến ngày 7 tháng 11 năm Đinh Hợi sinh hạ một cậu con trai thần phong đoan chính, dung mạo phi phàm, đặt tên là Đỗ Tuần ( Tuần Lang Quang Hộ) chưa đầy năm mà đã biết nói, năm lên 5 tuổi đã tinh thông âm luật , kịp khi đến năm 12 tuổi theo học thầy Tĩnh Đường tiên sinh là danh sĩ đương thời, Đỗ Tuần tư chất thông minh, đĩnh ngộ, người thời ấy hay gọi là "Thánh đồng" vậy .[5]

Đến năm 18 tuổi cha mẹ đều qua đời ông tìm đất tốt mai táng song thân rồi ông tới Kinh thành Văn Lang ( Phong Châu , Phú Thọ) nơi có người cậu tên là Trần Công , là một vị Lạc Hầu nắm quân Huyền Vũ, và từ đấy vị Lạc Hầu cũng bồi bổ thêm kiến thức , lễ nghĩa để chờ ngày trọng dụng. Năm ấy có con voi Cao Miên lạc tới đạo Sơn Nam nước Văn Lang , quan chủ bộc là Hùng Mễ Công ( em ruột Hùng Duệ Vương 18) sợ voi tàn hại dân chúng nên giết mất và mang xác voi về báo cho vua Hùng sự việc ấy . Vua Cao Miên biết tin voi chết , bèn cử Hắc Thát là tiên phong, Cao Huyền làm quân sư, đem 30 vạn quân tiến đánh Văn Lang ( thả voi là cái cớ để xâm lược) . Chúng tràn vào giết chết quan tuần phủ Quỳnh Côi, tàn sát dân lành, bắt những người con gái đẹp , cướp bóc của cải . rồi chúng đưa chiến thư tới , vua triệu quần thần nghị sự. Vua bèn cử Trần Công làm đại nguyên soái , đốc suất hai đạo quân Thanh Long và Huyền Vũ phản kích đuổi giặc. Trần Công bèn tiến cử cháu mình là Đỗ Tuần , nhìn thấy Đỗ Tuần dung mạo khác thường, uy vũ , võ nghệ siêu quần, vua cả mừng phong làm Đại tướng tiên phong.[5]

Hai ông đưa quân đến trấn Sơn Nam , chia làm hai đường thủy bộ Trần Công đánh trên bộ, Đỗ Công ( Đỗ Tuần) đánh đường thủy hai mặt giáp công ... Thắng trận hai ông dâng biểu lên vua Hùng , vua bèn phong Trần Công (cậu) làm Chủ Bộ trấn Sơn Nam và Đỗ Tuần (cháu) làm quan Phủ doãn Thái Bình đóng phủ doãn tại huyện Quỳnh Côi . Lại đặt trấn Sơn Nam làm Thái ấp của hai ông ...

Đỗ Tuần Công trong một lần đi qua trang Ngọc Quế , đứng ở gò cao thấy địa thế rất đẹp , có thế Rồng cuộn, Hổ ngồi, địa linh nhân kiệt , ông liền cho dựng một Doanh phủ theo hướng Tây Nam , phân định Mão , Dậu , Canh , Thủy nhập vào Canh dẫn Long mạch. Từ đấy ông đặt tư dinh và sinh sống tại đây , mấy năm sau lập thêm một nơi công đường cách đấy 400 thước, để dân có việc gì thưa gửi thì trình lên đấy rồi sai nha lại mang về cho ông duyệt xét , nơi ấy bây giờ là Đình Ngọc Quế. Ông chủ trị vùng này rất khoan hòa , không nghiêm khắc , lấy lễ giáo làm trọng nên rất được lòng dân chúng , ông dạy dân cấy cày, phát triển nông nghiệp, khai mương khơi thủy, dẫn nước vào đồng , dân tình từ ngày ấy được mùa bội thu nên rất biết ơn ông.

Sau này cậu ông là Trần Công mất , vua liền ban cho ông làm quan trấn thủ Sơn Nam thế chức cho cậu mình , ( trấn Sơn Nam rất rộng lớn bao gồm Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên Thái Bình, Nam Định , Ninh Bình v v...) . Đến thời giặc Ân xâm lược , ông làm quan chủ sự đi tìm nhân tài cho đất nước , và cũng chính ông tiến cử một nhân vật ở làng Phù Đổng quận Vũ Ninh , đó là Thánh Gióng lên cho triều đình .[5]. Vì vậy ông có công lao to lớn đối với triều đình và nhân dân . Ông mất ngày 10 tháng giêng , đời Hùng Duệ Vương 18. Ông mất trong một lần truy kích giặc Ân đến tận vùng Ái Châu ( Nghệ Tĩnh ngày nay) . Triều đình ghi ơn và sắc phong ông là " HIỂN ỨNG QUANG HỘ PHỤ QUỐC TÝ DÂN ĐẠI VƯƠNG "...

Đền thờ ông tại nơi tư gia phủ đệ , trang Ngọc Quế , Quỳnh Hoa , Quỳnh Phụ , Thái Bình , Sơn Nam trấn . Ngài rất anh linh chuyên hiển thánh cứu khổ trừ tai, độ trì cho dân bản địa. Đến năm 1288, Trần Hưng Đạo và vua Trần Nhân Tông trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 đã điều binh theo dòng sông Luộc và hợp binh hội quân ở đây ( đền Ngọc Quế) . Ngài đã hiển thánh trò chuyện bàn kế sách đuổi quân Nguyên . Khi đất nước thanh bình Trần Hưng Đạo biên soạn cuốn "Bách Thần Hộ Quốc" đã truy phong cho ngài là "HỘ QUỐC ANH LINH, HÁCH TRẠC HIỂN ỨNG" , sắc chỉ cho trang Ngọc Quế là "Hộ Nhi Chính Sở" , tức là nơi thờ chính của ngài, trùng tu miếu điện, hương khói muôn đời .Thời ấy các quan thần thường kiêng tên húy như ( chữ Tuần) , ( Quang Hộ) nên gọi tên ngài là Đỗ Huyến vậy.[5]